(Tùy bút Luuquochoa)
Trong mỗi con người đều có một miền ký ức được mặc định lâu bền. Ký ức của tôi lại hướng về làng quê, nơi có bao bà mẹ lam lũ đã nuôi chúng tôi nên vóc nên hình, thế hệ ấy đã là người thiên cổ và những câu chuyện tôi sắp kể chắc thế hệ con cháu không hình dung đầy đủ và có thể họ bảo rằng: Cái ông viết văn này buồn mồm thì tưởng tượng ra. Không phải đâu, cái thời chúng tôi nó vậy.
Bây giờ lũ trẻ không có thói quen “mong như mong mẹ về chợ” nữa. Mẹ chúng đi chợ cả ngày cũng được hay bao giờ về chúng cũng không để ý bởi chúng không còn mong quà. Quà cho trẻ bây giờ cũng không nhất thiết cần phải mua. Cuộc sống no đủ dần nên một số nhu cầu tự nhiên biến mất, đi theo nó là những câu ca dao tục ngữ người ta dần quên. Mặc ai quên chứ riêng tôi suốt đời ám ảnh về hình tượng câu ca : MONG NHƯ MONG MẸ VỀ CHỢ.
---------
Cách tôi mấy nhà có gia đình ông Viết, bà Nghè. Ông làm nghề thả lưới giăng câu và bà cấy lúa và đội cá đi chợ bán. Ông bà đẻ 9 người con bốn trai, năm gái. Mà cũng lạ, càng đói, càng đẻ mà trời sinh ra phụ nữ thời đó sinh đẻ dễ như gà vịt. Có bà cả đời mang bụng chửa.
Bà đỡ cũng thật kinh khủng, dao kéo không có, các bà dùng cật nứa cắt rốn trẻ sơ sinh, lấy đất vách rắc mún rốn “sát trùng”, thiếu sữa nhai gạo sống mớm vào miệng, đau bụng thì lấy con dán đất trong bếp buộc vào rốn…Khó tin lắm phải không các bạn trẻ? Có thật 100% đấy, nhiều thứ còn kinh khủng hơn tôi kể nhiều.
Mỗi nhà chúng tôi đều có một khóm tre, đấy là nơi cha mẹ chúng tôi dùng để lấy vật liệu đan đó, đan lờ bắt cá, lấy lạt buộc vách rơm, làm cán cuốc cán gầu và cuối cùng mới là nhu cầu hóng mát.
Ở lũy tre đó, tuổi thơ chúng tôi thường vác cái bụng ỏng đít beo, cởi chuồng nhồng nhỗng ra ngồi chờ mẹ đi chợ về.