Thứ Năm, 17 tháng 10, 2013

HOA SỮA VÀ EM



Chẳng thể nào nồng nàn hơn nữa đâu
Cả phố sáng nay ngạt ngào hương hoa sữa
Thơm gió, thơm sương, thơm cả từng hơi thở
Bồng bềnh thơm trong mái tóc em thơm

Cứ hít hà cho lồng ngực căng hơn
Không phải rượu mà sao say chuếnh choáng?
Ngước nhìn kìa, vòm cây xanh bừng sáng
Hoa sữa nở rồi trôi trong mơ chơi vơi

Muốn gọi toáng lên: Em ơi! Em ơi!
Phương trời ấy có nồng nàn hoa sữa?
Chẳng biết giờ này em có nhớ
Nụ hôn đầu thơm đến thế này chăng?

Sớm mai này sương mờ ảo giăng giăng
Đổ hương sữa tràn khắp nơi quấn quýt
Trời se lạnh càng nhớ em da diết
Cuối thu rồi em có về không?

Thứ Ba, 15 tháng 10, 2013

THƯƠNG QUÁ MIỀN TRUNG !


Nhói lòng tin bão chiều nay,
Miền Trung-biển nước mỗi ngày một cao .
Cuồng phong lốc cuốn ào ào …
Thắt dây oan nghiệt vào bao kiếp người…

Xóm làng lũ cuốn sạch rồi
Tang thương bao phủ xám trời miền Trung.
Mênh mông biển nước trập trùng
Xót xa những tiếng hãi hùng khóc than…

Nơi xa ,tay chắp vái van :
-Nguyện cầu mong bão lũ tan… Lạy Trời!
Miền Trung-“ Khúc ruột” yêu ơi!
Nỗi đau gánh chịu ,triệu người sẻ chia!

Thứ Hai, 7 tháng 10, 2013

VĨNH BIỆT ĐẠI TƯỚNG !


VÔ vàn nhịp đập triệu con tim,
CÙNG nhau thổn thức tiếc người hiền
THƯƠNG người tài đức, vừa hiển thánh!
TIẾC đấng hùng anh, mãi linh thiêng.
ĐẠI nghĩa cứu dân, xây dựng nước,
TƯỚNG tài diệt giặc, giữ non sông.
VÕ giỏi, văn hay lừng thế giới.
NGUYÊN khí quốc gia, vọng muôn đời.
GIÁP thiêng che chở, triệu triệu người.

Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2013

TÌNH ĐẦU


Nay biên tình đầu, chả biết nó có phải tình đầu không hay tình đầu thứ mấy nhưng đã coi tình đầu thì nó là tình đầu. Nhẽ rằn ri vậy vì tình đầu là cái tình gì thì chả thấy sách vở nói. Vẻ như nó định tính nhiều hơn định lượng vì nếu lượng được kiểu như tình đầu là tình bắt đầu nhớ nhớ thương thương, tình đầu là tình cầm được cái tay, tình đầu là tình vuốt tóc, tình đầu là tình ôm nhau chút chút, sờ tí ti hay tình đầu là tình xxx, etc., thì thiên hạ đã không có những bản tình đầu khác nhau và dĩ nhiên, cũng không có nốt những kiểu đau khổ khác nhau. Biên đến đây bạn Phan chợt nghĩ đến một đề tài, tạm đặt, “nghiên cứu tính đa dạng của các mối tình đầu và ảnh hưởng của nó đến sự đau khổ của nhân loại” a ha. 

Thôi, đã quyết gọi cái mà bạn Phan sắp kể là tình đầu. Quyết định xong. Cãi đá phát chết giờ.

Thứ Tư, 4 tháng 9, 2013

TÌNH GIÀ


Thời trai trẻ, tôi thấy nhiều ông bà già, đã già gần sụm bánh chè mà vẫn còn lấy nhau. Tôi vừa ngạc nhiên, vừa nực cười, tự nghĩ “già rồi còn “làm ăn” gì được nữa mà bày đặt yêu đương!”

Tôi đem ý nghĩ ấy nói với Ngoại tôi, lúc ấy bà gần bảy mươi. Ngoại tôi nói: “Cháu hổng biết, chớ chuyện tình yêu thì người nào đầu gối còn có máu thì còn muốn yêu và muốn được yêu.”

Nghe Ngoại nói, tôi không phản đối, nhưng không tránh được tức cười thầm. Tôi muốn hỏi: “ông Ngoại mất lâu rồi, bà Ngoại có muốn yêu ai nữa không?” Nghĩ là vậy, nhưng tôi chẳng có gan đồng nên không dám hỏi.

Bây giờ tôi đã sáu lăm, có tám đứa con, với đàn cháu nội, ngoại gần ba mươi đứa. Tôi đến Mỹ, vừa chẵn chòi mười năm. Tôi nhớ rõ như vậy là vì ngày tôi đến Mỹ cũng là ngày bà Nội bà Ngoại lũ cháu qua đời. Tôi quạnh quẽ từ đó.

Ở vào cái tuổi năm lăm mà “mồ côi” lại mồ côi vợ trên cái xứ dư thừa vật chất, nhiều cám dỗ nầy. Lòng tôi rất khó chịu và phải tranh đấu thường xuyên trước sự cám dỗ quái ác kia.

Tôi chịu đựng như vậy gần tám, chín năm. Thời gian ấy là một chuỗi dài đáng kinh sợ cho một con người còn sung mãn về thể lực, nhưng lại thiếu thốn về tình cảm. Một thứ tình cảm đòi hỏi phải được đáp ứng từ một người không cùng giới tính.

Như mọi sự vật, sức chịu đựng trong lòng tôi cũng có giới hạn. Một hôm lòng khao khát trong tôi phát hiện ra nhược điểm của biên giới đó, nó len lỏi chui ra ngoài và chẳng đặng đừng, tôi quyết định đăng báo tìm bạn bốn phương, với hi vọng tìm được người bạn già cùng cảnh ngộ sớm hôm tâm sự cho đỡ buồn. Nếu có thể cùng tiến tới để hủ hỉ bên nhau.

Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2013

CUỐI TUẦN NGỌN GIÓ ĐI HOANG !



Sao bỗng dưng lại cuối tuần?
Để tôi cất cái bần thần đi đâu?
Hình như sắp tới mùa Ngâu?
Thấy heo heo gió, thấy rầu rầu mưa

Ngày buồn thì mãi chẳng trưa
Ngày vui chớp mắt đã thừa trăng sao
Đêm qua là đêm hôm nao?
Nhớ ai mà nhớ cồn cào ruột gan?

Cuối tuần ngọn gió đi hoang
Rủ tôi khăn gói lên đàng phiêu du
Ừ thì đi đón mùa thu
Còn hơn tàn hạ ngồi tu góc chùa

Mang khúc đồng dao quê mùa
Dăm câu thơ lẻ làm bùa hộ thân
Dẹp bao phiền muộn phân vân
Cùng đôi hớn hở cuối tuần mà vui..


Thứ Sáu, 2 tháng 8, 2013

HỌP LỚP



Năm nào chúng tôi cũng tổ chức Hội khóa.
Năm nào cũng đầy thằng say.

Năm nào cũng ối đứa, ối con về bị chồng hay vợ cho một trận.
Chả có lần họp khóa nào không có đôi ôm nhau giữa thanh thiên bạch nhật mà chụp ảnh. Bọn nó yêu nhau từ cái thời học sinh, thường thì không lấy được nhau, và cũng đa số là “chưa làm gì được nhau” nên nhân ngày này chúng nó gỡ gạc chút đỉnh.

Thây kệ nhà chúng nó. Cứ rờ mó gỡ gạc đi…Say rượu mà. Rượu nó làm thì rượu nó chịu.
------
Trong cơn say bí tỉ, tôi chui vào một góc, chả liên đới với đứa nào, thủ cái máy ảnh vào và thỉnh thoảng có pha gây cấn nào là chụp, chụp xong khoe nó, nó thích thì tráng minilap vặt tiền 20 ngàn một po nếu sợ vợ, sợ chồng coi được, muốn ỉm đi thì nộp phạt mới delete…đục nước béo cò kiếm tí…

Đang ấp ủ âm mưu thì mấy con mẹ tự nhiên lóe xóe: Thằng Hòa Lưu Manh đâu rồi…Mẹ, cái con rận váy lủi đâu rồi, lôi nó ra đây tán bậy cho vui. Thằng ấy tán bậy mới đã.

Tôi ư hừm: Tao đây! Tao ngồi thối ra đây mà lũ mày thong manh à? Cần gì, có nhu cầu gì? Nhu cầu tình dục chứ gì…OK đi, anh mày chiều.
- Mày có bầu dục thì có! Phét lác, có cho thì chạy mất dép tụt giầy…
- Tao hay tán phét vì tao không “làm tình” được thì …nói tình. Bọn chúng mày làm giỏi thì lại ít nói, loại chúng mày vẫn còn dâm đãng lắm đồ của nỡm ạ.

Đấy là mấy đứa vắng chồng. Đứa thì chồng đi Tây, đứa thì bỏ chồng hay chồng bỏ nên táo tợn lắm…

Lúc liên hoan thể nào bọn quỷ cái cũng bắt tôi ngồi cùng mâm để tán bậy. Chủ đề “xôm” nhất vẫn là chuyện tình dục. Chưa hết cốc bia nó đã gây sự
- Tao kén ngồi mâm với mày không để ngồi nhìn mày ăn hùng hục, uống như đổ nước hang chuột. Vén mặt lên tao bảo: Mày nhìn bọn tao còn dùng tạm được không?

Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2013

HOA LỘC VỪNG


alt



Bất chợt sớm nay, cây rùng mình, hoa nở
Những sợi buông như mưa rơi rơi
Và trong anh bỗng cồn cào nỗi nhớ
Lại mùa hoa lộc vừng em ơi!

Ta lạc nhau quá nửa đường đời
Nhớ mùa lộc vừng xưa rắc hoa thơm mái tóc
Em ngúng nguẩy đuôi gà, mấy lần chực khóc
Khi anh ngắt lộc vừng tung tứ phía lên mây

Nụ hoa xâu chuỗi ngọc còn đây
Sai lộc thế mà anh nghèo - vẫn thế
"Mở cửa vừng ơi!", em chân trời góc bể
Ván đóng thuyền rồi, vòng cầu hôn vô duyên

Lã chã cánh hoa rơi vào lãng quên
Đỏ ký ức cả một vùng rướm máu
Chẳng còn chỗ cho ngày xưa nương náu
Cứ buông nở hết mình đỏ thắm lộc vừng ơi!

Lại một mùa hoa nữa đến rồi
Không có em hoa cứ buồn trong gió
Không đung đưa, không rì rào thắm đỏ
Như giọt lệ buồn ngơ ngác rơi rơi...



P/S: Vì lý do Sông Quê bận đi công tác nên không thăm và trả lời còm của các Anh/Chị, các bạn  được, rất mong mọi người hết sức thông cảm. SQ xin kính chúc tất cả quý anh/ chị và các bạn sức khỏe, an vui, hạnh phúc và thành công trong cuộc sống.
SQ xin hẹn gặp lại tất cả quý A/C một ngày gần nhất nhé.

CUỐI TUẦN - NGHE CHỬI



Đêm qua nhà hai Tịnh mất một đàn gà nhỡ.
Trước khi bắt gà, kẻ trộm đánh bả con chó lai nặng cỡ trên chục kilo rồi làm nốt đàn gà nhân thể một chuyến đánh úp.
Có thể mục tiêu chính kẻ trộm bắt chó rồi nhân thể làm gọn đàn gà.
Có thể là đúng, có thể là sai. Mất của rồi mới suy diễn tào lao như thế.
Cái ấy suy cho cùng chỉ thằng kẻ trộm nó biết hay bất quá có ông Giời cùng biết.
Cái nhìn thấy sờ sờ là mất gần hai triệu bạc mồ hôi nước mắt…xót quá!
Chỉ mấy thằng nghiện trong làng nó cùng đường đói thuốc mà làm liều chứ thời buổi này kẻ trộm nó chỉ cướp tiệm vàng, chẳng thèm trộm vặt. Đấy là kẻ trộm không ra mặt.
Có loại kẻ trộm giữa thanh thiên bạch nhật, vài chữ kí loằng ngoằng nó trộm luôn bạc tỷ.
Trộm đi ô tô đời mới. Trộm thắt ca vát com lê…Ôi thôi! Nhiều thứ trộm lắm…Kinh quá!
-------------
Mụ hai Tịnh xua con đi tìm. Một đàn vừa con vừa cháu chạy túa lua mà gọi chó.

Gọi thế quái nào được. Chó nhà mụ lên thớt rồi, thành giả cầy nhựa mận rồi, gọi làm sao nó thưa được…Mẹ kiếp! ức trào máu họng.
Mất của thì phải chửi. Cha mẹ nó chứ, mấy thằng nghiện ngay ở trong làng, phen này bà chửi cho chúng mày lòi mắt ra, mồ mả ông cha tám chín đời cứ gọi là sôi lên như nồi lẩu.
Mụ chuẩn bị cho “khóa” chửi như một diễn viên có nghề: Một quạt nan, hai lon bò húc, một cái ghế đẩu, một đèn Pin tầu rồi sau đó ra bụi tre gai trước cổng bắt đầu khai mạc khóa chửi.
- Hèm! E hèm! Nghe tao chửi đây này, hèm…èm.
Mụ Tịnh mào đầu, khai mạc bằng câu như thế như diễn viên bước ra sân khấu, như MC chào khán giả…Và mụ bắt đầu thể hiện chương Một:
- Cha bố cụ kị năm mươi đời nhà thằng kẻ cắp kia ơi! Khôn thiêng đội mồ đội mả, thằng đui dắt thằng tỉnh, thằng quòe dắt thằng ngẩn ngơ cùng nhau nhập vào cây vào cỏ, nhập vào đống cứt đống đái, nhập vào cái công nông bảy, nhập vào hây hẩy gió Nam để nghe tao chửi ổ ê nhà mày. Nếu không chịu lên tao thuê máy cẩu, tao “bẩu” máy xúc, tao đục nát mồ. 
Đấy là mụ dọa kẻ đã chết dưới củ tỉ âm ti lên mà chịu nghe chửi với thằng còn đang sống.
Mụ đục một lon bò húc nhấp giọng, khà một cái, lấy quạt nạn phẩy một hồi cho tăng cường sức khỏe để mở màn chửi kẻ trộm và gia quyến lâm lai nhà nó đang sống ở cõi trần gian thời @.
- Ới thằng kẻ trộm kia ơi! Chó nhà tao giống quý giống hóa, nó ở nhà tao nó là con chó, mày ra tay mặt, đặt tay trái mày đánh , mày câu, mày kích điện, chó nhà tao nó biến thành tinh, nó cắn cổ moi mắt cả họ nhà mày. Cả nhà nhà mày chết đêm không ai hay, ngày không ai biết, chết diều tha ma bắt, cắt lôi, lồi ruột, tuột gan, tràn dịch màng phổi…
- Ới thằng kẻ trộm kia ơi! Gà nhà tao là giống Tam Hoàng, thịt thơm như mít. Mày bắt về nó thành “thần nanh đỏ mỏ” mổ lòi con ngươi cụ kị nhà mày. Nhà mày bị chết dịch H7N9, chết H5N1, thằng trước chưa khênh khỏi nhà, thằng sau tà tà chết theo. Thằng đi ngược chết ngược, đi xuôi chết xuôi.
Toàn là các kiểu chết kinh khủng cả…Không gian làng La véo von ngân nga tiếng chửi.
Chả ai đối điều với mụ, trừ mấy con chó cắn với, cắn lắm mỏi mồm nên thua mụ.

Thứ Tư, 26 tháng 6, 2013

MONG MẸ VỀ CHỢ


(Tùy bút Luuquochoa)

Trong mỗi con người đều có một miền ký ức được mặc định lâu bền. Ký ức của tôi lại hướng về làng quê, nơi có bao bà mẹ lam lũ đã nuôi chúng tôi nên vóc nên hình, thế hệ ấy đã là người thiên cổ và những câu chuyện tôi sắp kể chắc thế hệ con cháu không hình dung đầy đủ và có thể họ bảo rằng: Cái ông viết văn này buồn mồm thì tưởng tượng ra. Không phải đâu, cái thời chúng tôi nó vậy.

Bây giờ lũ trẻ không có thói quen “mong như mong mẹ về chợ” nữa. Mẹ chúng đi chợ cả ngày cũng được hay bao giờ về chúng cũng không để ý bởi chúng không còn mong quà. Quà cho trẻ bây giờ cũng không nhất thiết cần phải mua. Cuộc sống no đủ dần nên một số nhu cầu tự nhiên biến mất, đi theo nó là những câu ca dao tục ngữ người ta dần quên. Mặc ai quên chứ riêng tôi suốt đời ám ảnh về hình tượng câu ca : MONG NHƯ MONG MẸ VỀ CHỢ.
---------
Cách tôi mấy nhà có gia đình ông Viết, bà Nghè. Ông làm nghề thả lưới giăng câu và bà cấy lúa và đội cá đi chợ bán. Ông bà đẻ 9 người con bốn trai, năm gái. Mà cũng lạ, càng đói, càng đẻ mà trời sinh ra phụ nữ thời đó sinh đẻ dễ như gà vịt. Có bà cả đời mang bụng chửa.

Bà đỡ cũng thật kinh khủng, dao kéo không có, các bà dùng cật nứa cắt rốn trẻ sơ sinh, lấy đất vách rắc mún rốn “sát trùng”, thiếu sữa nhai gạo sống mớm vào miệng, đau bụng thì lấy con dán đất trong bếp buộc vào rốn…Khó tin lắm phải không các bạn trẻ? Có thật 100% đấy, nhiều thứ còn kinh khủng hơn tôi kể nhiều.

Mỗi nhà chúng tôi đều có một khóm tre, đấy là nơi cha mẹ chúng tôi dùng để lấy vật liệu đan đó, đan lờ bắt cá, lấy lạt buộc vách rơm, làm cán cuốc cán gầu và cuối cùng mới là nhu cầu hóng mát.

Ở lũy tre đó, tuổi thơ chúng tôi thường vác cái bụng ỏng đít beo, cởi chuồng nhồng nhỗng ra ngồi chờ mẹ đi chợ về.

Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2013

GIÁ MÀ..


Giá mà đừng bắt tay nhau
Dắt ra ngoài ngõ để sau nhớ đời
Nào ngờ cái bắt tay thôi
Làm ta bổi hổi bồi hồi nhớ mong

Chiều chiều tựa cửa ngóng trông
Nhìn em xao xuyến nỗi lòng bâng khuâng
Muốn san một nửa gian truân
Để em bớt tủi một thân kiếp người

Muốn san em nửa cuộc đời
Thay người dứt cánh chim trời bay đi
Bắt tay lần ấy mà chi
Để giờ tiếng vọng thầm thì đêm thâu

Giá mà đừng bắt tay lâu
Để ta không phải lỡ nhau một đời...

N.T.N

Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2013

CÀNG NHỚ CÀNG SƯỚNG


                         

Hai vợ chồng nhà nọ làm lễ kỷ niệm 10 năm ngày cưới. Để ngày kỷ niệm thêm ý nghĩa, chị vợ làm một bữa ăn thật ngon. Chị còn chuẩn bị cả món rượu ngâm cao dê nữa để anh chồng tăng thêm khí thế. Sau bữa ăn khi thằng cu đã ngủ ngon lành, hai vợ chồng vào phòng riêng. Chị vợ diện bộ đồ ngủ mỏng tang lại không có các loại “phụ kiện” bên trong để cho lễ kỷ niệm ngày cưới thêm thi vị. Chị là một người đẹp nên lại càng xinh đẹp.

Trong khi đó vừa lên giường anh chồng đã ríu mắt lại vẻ muốn ngủ. Lo món rượu dê của mình bị lãng phí, chị vợ liền gợi ý:

- Anh nhớ ngày này mười năm trước là ngày gì không?

- Thì là ngày cưới chứ là ngày gì nữa! Em chả vừa làm bữa liên hoan để kỷ niệm đấy thôi!

- Thế còn đêm này ngày này mười năm trước?

- Thì là đêm tân hôn chứ còn là đêm gì nữa. Có thế cũng phải hỏi?

- Thế anh còn nhớ đêm ấy chúng mình cùng làm việc… gì không?

- Nhớ quá đi chứ! Ôi, bây giờ càng nhớ lại càng thấy… sướng rên lên, đúng là lần đầu tiên trong đời mới được thấy và được làm chuyện ấy đấy!

Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2013

THÁNG SÁU ĐÃ VỀ

Cô gái tháng sáu
CHÚC MỪNG NGÀY QUỐC TẾ THIẾU NHI 01-06

Vẫn còn đang ngơ ngẩn tím bằng lăng
Cay cay mắt cháy trời hoa phượng nở
Lưu bút mùa thi đang tràn đầy trang nhớ
Bỗng giật mình tháng sáu đã về ư?

Lũ trẻ cười đùa ríu rít vô tư
Cất sách vở ào vào vui cùng hạ
Tết thiếu nhi rộn ràng tưng bừng quá
Như đàn chim ríu rít mở lòng tôi


Trời trong xanh lang thang mây trôi
Mấy cháu nhỏ dắt tôi vào tháng sáu
Đuổi bắt hú oà cùng mận, mơ, me, sấu...
Tôi đứng ngây người giữa tháng sáu - tháng năm


“Chẳng thể tắm hai lần trên một dòng sông”
Thì cứ để giọt nước mình trôi ra biển cả
Nào các cháu ta bước vào mùa hạ
Thoả sức vẫy vùng tháng sáu tuổi thơ ơi!

                          (Xuân Thu)

Cô gái tháng sáu

Thứ Ba, 21 tháng 5, 2013

SẮC TÍM BẰNG LĂNG



Bất chợt nao lòng chạm sắc tím bằng lăng
Tiếng ve sôi một khoảng trời đầu hạ
Chợt thấy hồn mình neo trong vòm lá
Tuổi học trò đâu đó vẫn còn đây


Em hồn nhiên vung mực tím lên cây
Vương vào mắt anh khiến cả trời cũng tím
Góc trường xưa giấu bao nhiêu kỷ niệm
Chợt bùng lên cùng với tiếng ve sôi


Em ở nơi nào cô bé của tôi ơi?
Và đâu nữa chùm bằng lăng thuở ấy?
Tưởng đã ngủ yên như dòng đời vẫn vậy
Lại bất ngờ tím ngắt thế bằng lăng?

Thứ Sáu, 17 tháng 5, 2013

HÀNG XÓM


Năm nay, ông đã bước sang tuổi 85. Đối với bạn bè cùng trang lứa, ông thuộc loại còn rất trẻ nếu nhìn bề ngoài. Tóc ông mới bạc một nửa, hàm răng còn đủ, chắc khỏe, cơ bắp còn đầy đặn. Đặc biệt ông rất nhanh nhẹn, minh mẫn và hài hước. Bạn bè bảo ông: “già không đều”.

Trước đây ông là cán bộ có cỡ của một ngành quan trọng ở Trung ương. Nghỉ hưu ông về khu phố tôi ở cho vui. Ba đứa con của ông được học hành tử tế. Tất cả đều có gia đình và cơ ngơi riêng do ông xây cho. Vợ ông mất đã hơn chục năm. Ông ở một mình.

Cách đây ba năm, ông triệu tập các con tuyên bố sẽ lấy vợ. Các con ngớ ra rồi ào ào phản đối. Đại để chúng nó đều bảo bố già rồi, tám mươi hai tuổi rồi, lấy vợ người ta cười cho. Nghe chúng nó nói chán ông phán:” Các anh chị không cản tôi được. Ai chăm lo cho tôi sớm, tối. Lúc tôi trái gió, trở trời, các anh chị có ai biết không? Các anh chị ngăn cấm tôi chẳng qua là sợ tài sản bị chia sẻ. Ai cũng có phần rồi, đừng thắc mắc nữa”. Các con không cách nào thuyết phục được ông.

Thứ Hai, 13 tháng 5, 2013

MỪNG SINH NHẬT (16/05)


alt 


Sắp đến ngày sinh nhật
Vợ yêu tặng gói quà
Nhận quà, miệng còn trách:
- Mừng chi thêm mau già!

Thời gian như nước chảy
Sang tuổi mới đây rồi
Thuyền đời xuôi bến cuối
Theo dòng trôi, trôi, trôi...

Cuộc sống giờ thảnh thơi
Hết thăng trầm, lận đận
Những đau buồn, khổ hận
Theo năm tháng nhạt nhòa...

Sáng, quán cóc khề khà
Trưa, việc nhà giúp vợ 
Chiều, miệt mài đi bộ 
Năng nổ "Chuyện Cuối Tuần"

Gân cốt chắc, mắt tinh 
Tóc trên đầu còn xanh
“Chuyện kia”? Đành thú thật:
Thua kém xa thời oanh !

Hi hi hi .......

("chuyện kia" thua kém xa "thời oanh" là cái lão Đức Đát nói chứ không phải SQ đâu đấy, chớ hiểu lầm. Thơ không nhất thiết đúng như sự thật. Hehe)

Thứ Năm, 9 tháng 5, 2013

TẮM TRUỒNG - NHỚ QUÁ TUỔI THƠ ƠI...

Rượt đuổi cùng nhịp sống Sài gòn khi Hạ về kéo theo những cơn mưa bất chợt. Mưa đến mưa đi vội vã như một chuyến xe đò cứ đầy khách lại ra đi ngổ ngáo. Mưa đến như cướp bóc những con đường khô thoáng bằng những giọt nước tuôn rơi liên tu bất tận.


Xe lướt ngang cầu bỏ mặc cơn mưa rớt đều, vài đứa nhóc ngó nghiêng đứng bên thành cầu nhỏ chờ đợi một dòng nước xuôi trôi. Bỏ ngõ một cơn mưa, đang tắm mát một thiếu thời. Tự nhiên nhớ một thời cởi truồng tắm mưa từ quê nhà nước mát.


Tắm mưa chung với cành xoan tím
Trên đỉnh bình phong cửa tuổi thơ
                              (Tâm Tưởng)

Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2013

NẮNG LẮM -CHÓ CŨNG CHẲNG DẠI RA ĐƯỜNG ĐÂU ÔNG !




Quê mình ngày xưa có ông Dương hay lắm. Ông có hai niềm đam mê là tuồng và thả diều. Chuyện tuồng kể sau, hôm nay chỉ kể chuyện thả diều.

Mình không biết ông Dương mê diều từ bao giờ, nhưng năm nào dịp Quốc khánh xã mình cũng thi thả diều. Và, đương nhiên ông Dương vô đối. Đến khi già lắm có lẽ tròm trèm tám mươi vẫn thấy ông thả diều. Nhưng đến một dạo không thấy ông chơi diều nữa. Mùa hè về quê không thấy diều, không nghe tiếng sáo diều vi vu cảm thấy như thiếu cả tuổi thơ.

Tôi hỏi thì nghe người ta kể chuyện ông Dương bỏ diều, mà chuyện này do chính ông Dương kể. Chuyện là hôm ấy chính giữa trưa hè nắng gắt, ông Dương vẫn mải mê theo diều. Bỗng nhiên diều đứt dây, con diều theo gió bay đi mãi. Ông Dương dù tuổi cao vẫn ngửa cổ lên trời, mắt dán vào diều, cứ thế bươn hết đồng này, vệ khác. Rồi con diều cũng liệng xuống khu vườn của xóm Vân Nam, thuộc xã khác. Ông Dương chạy đến đó cũng hết hơi. Ông nhìn qua cổng rào thấy trên thềm một bà già đang đung đưa trên võng, đã thế tay còn cầm quạt nan phe phẩy. Bên cạnh bà một con chó nằm lè lưỡi. 

Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2013

THÁNG NĂM VÀ EM




Tháng năm về rồi đó em ! 
Trời đã trút những cơn mưa chứa dồn từ năm cũ 
Em vẫn thế... như chiếc lá chiều ủ rũ. 
Chờ tháng năm ...không biết để làm gì !?

Tháng năm hôm nào đánh dấu mốc cuộc chia li 
Trên lối ngoặc của đoạn đường hai lối rẽ 
Nắng -gió -mưa -giông ...mốc thu mình lặng lẽ 
Lớp rêu mờ xanh nhạt bóng thời gian.


Tháng năm về ...những hạt nắng lại đi hoang 
Thương tàn cây cố oằn mình chịu đựng 
Che cho lá từng bóng râm hưng hửng 
Che những chiều em ngược bước đơn côi.


Tháng năm về ...mưa nơi ấy cũng đã rơi 
Nắng có đủ hong khô bờ vai ướt 
Đêm -gió có vờn mây cho làn sương khóc mướt 
Vạt cỏ ngày xưa ...có ngóng mãi dấu chân thề ?


Tháng năm ơi ! nỗi nhớ kéo nhau về 
Những vần thơ đã nhạt màu trong nắng 
Gửi gió làm sao khi không gian đậm đặc ? 
Và cuối đoạn đường em đứng đợi... mây trôi... 

Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2013

ĐỒ QUẸT KHU

Theo nghiên cứu của mình, thì đông tây kim cổ trên đời này chỉ có ba người không bao giờ mắc sai lầm. Đó là: một, Giáo Hoàng, là người được hưởng ơn vô ngộ của Thiên Chúa; hai, Mao Chủ tịch được hiến định theo hiến pháp của nước Tàu và điều lệ củaTrung cộng là sáng suốt tuyệt đối; người thứ ba là vợ mình, quyền không bao giờ mắc sai lầm của nàng được mặc định một cách tự nhiên, cấm cãi!

Khi Giáo hoàng và Mao Chủ tịch không bao giờ sai lầm thì mình không biết thế nào, chứ khi vợ mình không bao giờ sai lầm, thì người luôn luôn sai lầm, đương, tất, cố, dĩ, ngẫu, tự nhiên là mình. Cách đây hơn hai mươi lăm năm, khi đang ở tập thể ở cơ quan ngân hàng Vinh, một hôm vợ mình buộc cái rổ làm ổ cho gà đẻ trên chuồng lợn không chặt. Con gà mái mẹ nhảy lên đẻ xong lúc nó nhảy xuống thì cái rổ cũng rơi xuống, mấy quả trứng trong ổ rơi, bể tung tóe. Mà, các bạn biết đấy hồi đó mấy quả trứng là kinh lắm. Tuy nhiên, thật bụng mà nói mình có chút hả hê, đấy nhé, lần này thì không phải là ta nhé, mình làm thì mình chịu đi nhé. Đang hả hê như thế thì bỗng dưng nàng sấn sổ đến trước mặt mình: “Tại anh cả đấy!”. “Ô hay, em nói chi lạ rứa? Chính em buộc cái rổ đấy chứ!”. “Rứa anh ở nhà mần chi cả buổi mà không buộc, để cho người ta vừa đi làm, vừa nấu nướng, lại cho con bú, rồi còn làm ổ cho gà đẻ?”. Giàng ơi! Mình cãi mần răng được nữa? Cho nên từ đấy hễ vợ làm vỡ bát ư, là tại mình không rửa bát; vợ để cá kho cháy ư, là tại khi đó mình kể chuyện tiếu lâm làm nàng không tập trung; vợ dậy muộn ư, là tại mình không thức..vv..và vv...

Thứ Tư, 10 tháng 4, 2013

ĐUỔI HÌNH BẮT CHỮ

Sưu tầm vài chuyện vui hầu bà con xả xì -chét giữa tuần. Mong mọi người vui vẻ và bình an nhé.


1. ĐUỔI HÌNH BẮT CHỮ 

Trung tâm bồi dưỡng viết văn ND có chuyến đi thực tế vùng than  . Vị nhà thơ, giáo sư khả kính rất vui tính dẫn học trò đi thâm nhập đời sống công nhân. Trên đường vị nhà thơ, giáo sư nọ bèn kể chuyện vui cho ngắn bớt độ đường.

- Bây giờ ta cùng chơi trò "Đuổi hình bắt chữ" hay còn gọi là nghe chuyện đoán ý tưởng. Các em thử vắt óc đoán ý tưởng cùng thày nhé. Bây giờ xin hỏi thế này:
Có một người con gái không mặc gì ngồi trên lá sen,hình ảnh đó nói lên ý tưởng gì ?
Có tiếng học trò nhao nhao:

- Thưa thầy rất phi lý, làm sao người lại ngồi trên lá sen được ạ.
Vị giáo sư khả kính cười:

- Nghệ thuật là sự phi lý hồn nhiên được chấp nhận.

 Tôi hỏi các em thế các cụ ngày xưa nói "Đêm qua tát nước đầu đình / bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen" có phi lý không ? Sen làm gì có cành mà bao đời nay vẫn chấp nhận ? Đấy là ngày xưa, còn hiện đại thì nhà thơ Xuân Sanh viết: "Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà" thì các em có hiểu gì không? Không hiểu gì, đúng không nhưng vẫn thấy hay. Nào hãy đoán xem hình ảnh thày vừa nói nêu lên ý tưởng gì?

Thứ Sáu, 5 tháng 4, 2013

MẤT NGỦ




Hai giờ sáng - vẫn chong chong
Chân tay thừa thãi, tơ lòng ngổn ngang
Một mình lướt mạng lang thang
“Nhà” nào “nhà” nấy vẫn đang giấc nồng

Tìm em - em ngủ với chồng 
Gọi bạn khản cổ - bạn không trả lời 
Thôi nào, cố ngủ mắt ơi!
Vô duyên này - chỉ có trời mới hay!

Thứ Hai, 1 tháng 4, 2013

NHỰA DÍNH MỘT THỜI TRAI



Sau tết năm 1993 lần đầu tiên mình đi công tác tuyến Đường Bảy, lên miền tây Xứ Nghệ. Thằng Chú Béo, một nhân viên cũ của mình  lém lỉnh: “Miền tây đẹp lắm, hay lắm anh ạ”.

Quả thằng này tán gái thành thần. Dọc tuyến đường 7 có năm huyện, đi đến đâu nó cũng giới thiệu “cơ sở cách mạng” của nó, toàn là những ca không thể không xúc động. 



Trưa hôm ấy ở Con Cuông, hai thầy trò định ra bến sông tắm. Như thường lệ mình vẫn mang theo chiếc máy ảnh tự động, khá xịn (hồi đó máy ảnh đang hiếm lắm). Khung cảnh mùa xuân thật đẹp: bãi ngô non xanh mướt, dòng sông Lam mùa này nước trong ngăn ngắt, trên bến một con đò đang đang cắm sào như chờ ai đó. Và, để như hoàn thiện cho bức tranh tuyệt vời đó đường đột hiện ra một cô gái đang giặt áo. Cố gái chắc mới mười chín đôi mươi, đội nón trắng và mặc áo màu thiên thanh, dáng mảnh mai, đẹp một cách thánh thiện. 

CHÓ NHÀ TÔI



Thực tình mình không thích nuôi chó, không bao giờ hiểu nổi người ta có thể hôn hít những con vật ấy, dù cũng cảm thấy tình cảm của nó dành cho mình. Nhưng rồi cách đây ba bốn năm nhà mình cũng bắt đầu bắt một con chó từ quê vào nuôi. Hóa ra nuôi chó có cái lợi không gì sánh được.

Số là con chó nhà mình rất hư. Nó có thể cắn xé bất kỳ thứ gì. Giày dép, quần áo, kể cả cái chổi đót lỡ để quên ngoài sân nó cũng không tha. Mấy chậu cây cảnh thỉnh thoảng nó lại nhổ cả cây, bới tung đất ra ngoài. Đặc biệt cái giống chó có một khoái cảm kỳ lạ là cứ nhè bánh xe ô tô mà đái. Của đáng tội, ki cóp mãi mới mua được cái xế hộp thế mà cứ sáng ra lại thấy nó tưới đủ bốn bánh hôi xì. Đặc biệt khi đến tuổi rồi thì không thể có gì ngăn cản nó đi tìm tình yêu. Cái cổng gỗ nhà mình chăm chút là thế mà nó cắn cho nham nhở. Hở ra tý là cả nhà lại nháo nhác đi lùng khắp xóm, cứ nhà nào có cẩu nữ là vào tìm. 

Thứ Ba, 19 tháng 3, 2013

THI KỂ CHUYỆN...NGHÈO


Nhà nước ta không cho ra báo tư nhân (suýt nữa trường dân lập cũng không được dạy báo chí), nhưng bọ thấy các công ty tư nhân rất nhanh nhạy, lách luật bằng cách mua lại sóng truyền hình, manchette để làm chương trình ký gửi phát sóng hoặc ra báo...vì thế bọ học theo, làm một geam show rồi mua sóng phát lên, đặng thu quảng cáo. Geam này có tên "Thách đấu". Cần nói rõ hơn, đấu đây không phải là đấu vật, đấu võ, đấu kiếm, đấu súng...mà là đấu...võ mồm, đại để thế. Hôm quay show đầu tiên với chủ đề: "Thi kể chuyện nghèo". 5 thí sinh đầu tiên được lựa chọn từ 5 tỉnh, thành sẽ thi kể chuyện nghèo trước một ban giám khảo 5 người, trong đó có 2 người nước ngoài đại diện cho nhà đầu tư. Nếu thí sinh tỉnh nào thắng thì hai nhà đầu tư này sẽ mang dự án 5 tỉ đô về đầu tư ở tỉnh của thí sinh đó. Tuy nhiên, kết quả của ban giám khảo chỉ là 50% số điểm, 50% còn lại phụ thuộc vào khán giả bình chọn qua hệ thống tin nhắn. (Số tiền này sau khi trừ chi phí còn lại đương nhiên là của bọ).

Theo bắt thăm, thí sinh Quảng Bình được chọn ô chữ đầu tiên, bạn này chọ số 12. lật số 12 thì đó là chữ P. Theo luật chơi, bạn thí sinh này phải đọc một câu ca dao hoặc hát một đoạn dân ca Việt Nam bắt đầu bằng chữ P để mô tả cái nghèo của người quê mình. Bạn nữ có tên Bình tự tin đọc câu ca dao:

Phận nghèo, nghèo khó, nghèo khăn/Nghèo cực, nghèo khổ, nghèo quăn lông l...


Thứ Tư, 6 tháng 3, 2013

VẤP CHI ?



Vấp chi..
vấp lắm...người ơi!
Sao người..?
chẳng để cho tôi vấp cùng.

Cô đơn..
vấp mối tình chung
Trót yêu nên cứ mung lung tháng ngày.

Thức đêm...
vấp phải canh chày
Ai đo đếm đựơc vơi đầy trong nhau!

Sông trôi...
vấp cánh bèo nâu
Thuyền ai vấp giữa bể dâu sóng cồn!

Ca vui...
vấp phải nhạc buồn
Tâm tư trầm lắng thả hồn về đâu?

lẻ loi...
vấp mối tình sầu
Vô duyên nên mãi một màu cô đơn!



Thứ Năm, 28 tháng 2, 2013

TÁM THÁNG BA

1

Nhân ngày mồng 8 tháng 3
Chúc cho quý Chị, quý Bà an khang
Trẻ trung, xinh đẹp, dịu dàng,
Giỏi giang việc nước, đảm đang việc nhà
Bao giờ lại đến… tháng 3,
Chị em khoẻ, đẹp là ta vui mừng
Chúc người mát mãi sau lưng
Vẫn yêu thương nhớ… Người dưng. Suốt đời!

2

Tháng 3 có rét nàng Bân
Rét thì mặc rét, mùa Xuân vẫn nồng!
Bao nhiêu quý Cậu, quý Ông
Đi chọn bông hồng để tặng, để chưng…
Và còn cả những… người dưng
Chúc nhau: gió mát… sau lưng bốn mùa!



Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

GIẬT MÌNH THÁNG GIÊNG



Đường xưa ngõ cũ tìm về
Lá chen hoa cỏ biết đi lối nào
Dấu xưa hoa tím đã trao 
Nghe câu hát lại nghẹn ngào tháng Giêng 


Mà ai bỏ nhớ để quên 
Bỏ yêu nên giận, bỏ đêm giữ ngày
Cái ngày xưa ấy ta say 
Đêm mơ thức suốt canh chầy nào quên 

Thứ Tư, 6 tháng 2, 2013

TỔ HÒA GIẢI TUỔI RẮN

Rồng rắn lên mây

Năm Nhâm Thìn vừa qua phải nói là năm thành đạt của tôi. Từ một lão nông chăn bò, tự nhiên tôi được bầu vào làm thành viên tổ hoà giải của xóm. Cũng rất ngẫu nhiên, tôi và bà tổ trưởng lại cùng tuổi rắn, chênh nhau một giáp. Thế nên, chúng tôi hợp nhau lắm. Một phát được làm cán bộ luôn. Oách. Rất oách. Đúng là “có phúc thì rắn hoá rồng/ Vô phúc phượng lại đổi lông hoá cò”. Tôi thuộc diện có phúc. Chẳng “nói như rồng như rắn”, càng không có khiếu “nói rắn trong lỗ cũng phải bò ra”, cũng chẳng “vẽ rắn thêm chân”, tôi “chân chỉ hạt bột” được bà con yêu mến tiến cử mà nên. Thì thế nhà tôi mới có phúc.

Tôi bàn với bà tổ trưởng “cờ đến tay phải phất”, không sợ gì cả. Làm cái nghiệp này vừa phải cứng rắn, vừa phải mềm dẻo, có cương, có nhu. Đằng nào thì cũng “được lòng rắn, mất lòng ngoé”, chi bằng ta cứ phải “đập bụi đuổi rắn” trước đã. Không “đánh rắn giữa khúc”, “đánh rắn phải đánh dập đầu”, phải vào tận “hang hùm đầu rắn” mà ngăn chặn. Đặc biệt bọn “cõng rắn cắn gà nhà” rủ rê đàn đúm đưa tệ nạn xã hội về làng là phải nghiêm trị. “Rắn đến nhà không đánh thành quái” các cụ chả dạy thế là gì. Lũ này dẻo mỏ “mồm ngài nọc rắn”, “đóng rắn giả lươn” đó, chớ có tin. Mắt chúng lúc nào cũng “như mắt rắn ráo”, “như quạ vào chuồng lợn”. Thấy người ngay chính trực thì “len lét như rắn mùng năm”. Trị được lũ này coi như yên tâm được quá nửa.

Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2013

NHỮNG NGUYỆN ƯỚC BƯỚC SANG XUÂN QUÝ TỴ

Năm Nhâm Thìn đã qua và chuẩn bị đón một năm mới Quý Tỵ và có lẽ đây là năm có nhiều cảm xúc nhất vì ai cũng e ngại năm 2012 sẽ là năm tận thế và trong chúng ta ko ai qua khỏi. keke. Nhưng điều đó đã ko xảy ra và năm 2013 chắc chắn rằng năm nay mọi người sẽ hạnh phúc gấp bội lần. Nhân dịp tết đến Xuân về SQ xin chúc toàn thể bà con xóm lá blogspot một năm mới an khang, thịnh vương, hạnh phúc tràn trề. Cuối năm do bận việc nên SQ xin tạm dừng post bài. Xin mượn lời thơ của Ts.Đặng Huy Văn post nốt entry cuối cùng của năm cũ. Hẹn gặp lại. Chúc mọi người luôn mạnh khỏe, thật nhiều niềm vui trong cuộc sống.
                  .............................................................. 

NHỮNG NGUYỆN ƯỚC BƯỚC SANG XUÂN QUÝ TỴ

Ôi giá có thể quay trở về kiếp trước!
Để được con cháu lì xì câu đối tết đầu xuân
Trở về thời thầy là thầy, đầy tớ là đầy tớ
Vua xứng là vua, quan đáng gọi là quan

Ôi giá các quan đều được qua “Quốc Tử Giám”!
Thi đỗ đạt lấy bằng chứ không phải bán mua
Để không còn loại quan chức với bằng cấp nhí nhố
Rồi o bế nhau lên thành tiến sĩ giáo sư!

Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013

THƠ À? CHUYỆN NHỎ

Bà ấy chăn bò thay, tôi ở nhà mần thơ. kaka
Cơm tối xong, lão Choẽ vừa vê điếu thuốc lào chưa kịp cho vào nõ điếu thì bà Choẽ đã dấm dẳn: “Ông biết tin gì chưa?”. “Tin gì?”, lão Choẽ dừng vê thuốc, hỏi lại. Bà Choẽ thong thả lấy bọc trầu ra rồi cà kê: “Tin quan trọng!”. “Tin gì, bà nói tôi nghe đi? Quan trọng đến cỡ nào? Bà nghe ở đâu? Có phải động đất ở thuỷ điện Sông Tranh không?”. Lão Choẽ bò hỏi dồn. “Còn hơn cả động đất ấy cơ”. “Thì tin gì? Bà nói ngay đi! Sốt cả ruột”.

Bà Choẽ nhẩn nha: “Chiều nay, tôi qua nhà bác Văn Sĩ Chiến, bác ấy khoe có cái truyện ngắn vừa mới được in báo, nhuận bút dững một triệu cơ”. “Giời ạ! Thế thì có gì là lạ. Bác ấy là nhà văn, có truyện in báo là chuyện thường tình chứ có gì là ghê gớm mà bà cứ úp úp mở mở”. “Chả ghê gớm lại không ư. Truyện có 1000 từ, oánh luôn cả triệu bạc, vị chi mỗi từ của bác ấy giá 1000 đồng, ông biết chửa? Chữ người ta như thế chứ, chữ ông có hoạ mà...”. “Mà làm sao?”. Lão Choẽ nóng gáy. “Thì đấy. Bác ấy sắp đổi xe máy rồi đấy. Chỉ bằng nhuận bút thôi đấy nhá. Còn ông, thơ với phú, "bờ lốc" với chả bờ leo, chả thấy một xu một cắc nào cả. Toàn mơ mộng hão huyền. Giờ cứ phải thực dụng ông nhá. Mí lại, đã bảo cấm tiệt thơ rồi mà ông cứ “anh anh em em” lộn cả ruột. “Anh em” mà nó ra tiền thì còn đỡ nhá, đằng này...”.

Bà Choẽ “nhá nhá” một thôi một hồi không kịp cho lão Choẽ cắt ngang. Đợi mãi cho bà nghỉ giọng lấy hơi, lão mới đấu dịu: “Nhưng người ta là cán bộ nhà nước nghỉ hưu, người ta có thời gian viết lách. Còn tôi, suốt ngày phải theo đàn bò, sáng tác thế chó nào được. Tôi mà được như ông ấy á, tôi chả có hàng tá truyện”. “Thật thế chứ?". Bà Choẽ cướp lời. "Vậy thì mai ông để đàn bò cho mẹ con tôi chăm, ông ở nhà làm truyện ngắn nha. Cố mỗi ngày lấy một cái kiếm lấy một triệu cho đỡ phải mưa nắng mệt người nha. Nhà mình cũng phải chuyển dịch cơ cấu ngành nghề thôi. Mẹ con tôi chăn nuôi bò, ông chuyển sang sáng tác văn học nghệ thuật nha. Vừa lao động chân tay, vừa lao động trí óc. Nhà nông, nhà văn hai nhà ta thi nhau ông nhá”.

Thứ Năm, 24 tháng 1, 2013

LẦN ĐẦU ĐI "TÀU BAY"

Tuần trước, "Choẽ bò" em được theo các bác lãnh đạo Hội Văn nghệ tỉnh đi tàu bay vào Khánh Hoà để đón đoàn văn nghệ sỹ của tỉnh dự trại sáng tác văn học nghệ thuật Nha Trang về. Lần đầu tiên được đi tàu bay nên nhà em sướng lắm. Cũng do có nhiều thành tích trong xoá đói giảm nghèo, đặc biệt ý chí vươn lên thoát nghèo của em mà các bác lãnh đạo Hội ban cho cái đặc ân ấy.

Hôm trước, cả nhà em long trọng tiễn em đi "công tác" linh đình lắm. Vợ em thì khỏi nói rồi, trông bà ấy dễ chừng trẻ ra đến dăm tuổi. Bà con lối xóm đến chia vui, chúc mừng mà nàng cứ lúng ta lúng túng như gái mới về nhà chồng chẳng biết việc nào làm trước việc nào làm sau. Đôi má nàng ứng hồng. Cặp mắt thì... lúng la lúng liếng, thi thoảng liếc nhìn em có vẻ rất xấu hổ mới chết chứ. Lâu lắm rồi, em mới thấy nhà em có biểu hiện đáng ngờ ấy. Tuy nhiên, đêm ấy dứt khoát em không làm gì bởi các cụ dặn đi đâu xa phải đặc biệt kiêng kỵ cái chuyện ấy, đằng này em lại đi tàu bay nữa thì... kiêng là quá đúng. Bà "Choẽ bò" nhà em ấm ức lắm dưng mà... biết làm sao được. Em phải "bản lĩnh" lắm mới vượt qua được cái ranh giới mong manh đó.

Thứ Tư, 16 tháng 1, 2013

QUÊ HƯƠNG THỜI BÁN ĐẤT



Ai cứ bảo chăn trâu là khổ
Tôi mơ màng hai cô ả cùng theo
Có những ngày trốn học lang thang đá lông nheo
Mẹ bắt được khen mày nghèo mà sướng
Có cô bé nhà bên nhìn tôi không biết ngượng

Thứ Bảy, 12 tháng 1, 2013

CHUYỆN LÀNG QUÊ



Vụ án “giết người” xẩy ra ở làng Chem Chép gây chấn động cả vùng. Nhà nọ cách nhà kia chỉ một hàng rào găng. Một đằng hai con, đằng kia mới có một.

Léng phéng thế nào mà anh Thích Sung Sướng
, anh (gọi như thế vì anh còn trẻ lắm, mới hai mươi sáu tuổi) bố của hai đứa con lại “mắc” phải lưới tình của chị Lẳng Lơ vợ anh Ngố. Ngố hay theo cánh thợ xây đi phu hồ kiếm thêm đồng rau đồng mắm ngoài việc chính là làm ruộng. Anh Sướng có nghề thợ điện, thầu điện của làng, hàng tháng anh vẫn đến từng nhà nhìn công tơ, ghi sổ rồi thu tiền.

Vợ Sướng
 có một cửa hàng tạp hoá nhỏ ở chợ. Lương thợ điện làng chỉ dăm trăm ngàn mỗi tháng, nhưng không hiểu sao thấy anh rủng rỉnh lắm. Chuyện tình của họ lúc đầu rất ít người biết.

Thấy bảo một lần Sướng
 sang nhòm công tơ, thấy mỗi mình chị Lẳng Lơ đang vạch vú cho đứa con mười tháng tuổi bú. Cái vú trắng nõn của đàn bà một con khiến anh thợ điện tít mắt. Nhòm, ghi xong, anh lại gần, quệt tay vào ngực chị một cái, khen:Trắng quá, như cái bánh bao í…, hà hà

Thứ Tư, 9 tháng 1, 2013

KỶ NIỆM NGÀY CƯỚI


Quê vừa lùa đàn bò vào chuồng chưa kịp rửa mặt, mụ vợ thỏ thẻ “tối nay mình đi xem hát nhé”, ơ cái mụ này hôm nay lạ nhỉ, suốt ngày hết việc đồng áng, lại gà, vịt chẳng biết văn nghệ văn gừng là gì, thế mà hôm nay lạ nhỉ? Thế ông không biết hôm nay là ngày gì à, 20 năm ngày cưới đó ông. Ghê nhỉ đã 20 năm đeo gông rồi à?
Ừ thì cho mụ ấy đi xem văn nghệ cho đầu óc mụ có tâm hồn …văn nghệ. Chả là mình thích làm thơ, cứ được bài nào là khoe mụ vợ, Là một nhà thơ xóm, cứ làm được bài thơ nào thì mụ là người được nghe đầu tiên. Có lần, đang đêm ngủ, tôi dựng mụ dậy để đọc thơ cho mụ nghe. Hồi đầu, mụ khoái lắm, tự hào lắm. Sau rồi, thơ tôi sản xuất đại trà nhiều quá, vợ tôi phải nghe nhiều quá, hơn nữa, trong thơ lại toàn yêu đương, em anh sướt mướt thì mụ bẳn gắt hẳn. Rồi mụ tuyên bố xanh rờn: "Tôi cấm ông thơ phú nữa nhé. Tập trung vào chuyên môn cày bừa cho kịp thời vụ. Ruộng nhà người ta lúa má tốt bời bời thế mà ông thì cứ thơ với phú. Mai kia đói rã họng ra ngồi đấy mà thơ!". Cũng vì vụ đó tôi mất cạ hứng mần thơ, được dịp này cho mụ mở mang đầu óc tí, cũng tốt chứ sao.
Cơm nước xong tôi đèo mụ trên chiếc xe đạp cà tàng lên huyện, mụ gục đầu kê nguyên bộ ngực đồ sộ vào lưng tôi dất chi là tình tứ.

Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2013

ANH EM CỌC CHÈO



Tin động trời: thằng cọc chèo lại đánh vợ.
Lần này hắn không nhẹ tay. Vợ hắn bị đá vào cái ba lô đeo ngược đã tới tháng thứ sáu. Nghe nói cô ta ngất xỉu cả tiếng đồng hồ mới tỉnh. Lúc tỉnh thì gần như bất động. thở è ạch. Không lê nổi đôi chân một bước.
Là cọc cheo thì làm lơ chuyện này thế nào được. vậy là Bôn ba chân bốn cẳng đạp cái xe cà tàng cọc cạch về nhà cọc chèo. Người tò mò xem chồng đánh vợ đã vãn. Cọc chèo xấu hỗ và biết lỗi sao đó, chui tọt vào nhà khóa trái cửa. vợ hắn ngồi ôm cột hàng hiên, mặt cắt không còn hột máu.
Bôn nhìn cô em vợ.
- Thím có sao không? Sao da mặt tái xanh tái xám, lại túa mồ hôi nhiều quá thể vầy nè?
Em vợ lắc đầu.
- Thím nói thiệt đi! Đau làm sao? Đau chỗ nào?
Em vợ vẫn lắc đầu.
- Trời ơi, thím hổng nói, làm sao tui biết đặng lo cho thím!
Bấy giờ cô em mới ngẩng đầu lên. Nước mắt ngắn nước mắt dài.
- Khó thở quá anh ơi! Lại mắc tiểu mà hổng đứng dậy nổi.
Bôn cúi xuống, đỡ cô em vợ đứng dậy.
- Thím vịn vào tui nè. Tui dìu thím ra sau hè.
Sau hè là vườn chuối. Bôn dìu vợ cọc chèo ra đó.  Để cô ta ngồi đó.  Trở vô hè nhà đợi một lúc rồi trở ra.
Vợ cọc chèo gục mặt vào cây chuối. Hai tay chỏi xuống đất.
- Thím xong chưa? Tui dìu vô nhà.
- Em hổng nhúc nhích được chưn tay. Đau quá hà!