Mảnh vườn xưa cây mỗi ngày mỗi xanh Bà mẹ già tóc mỗi ngày mỗi bạc Hai ta ở hai đầu công tác Có bao giờ cùng trở lại vườn xưa?
Hai ta như ngày nắng tránh ngày mưa Như mặt trăng mặt trời cách trở Như sao hôm sao mai không cùng ở Có bao giờ cùng trở lại vườn xưa?
Hai ta như sen mùa hạ cúc mùa thu Như tháng mười hồng tháng năm nhãn Em theo chim đi về tháng tám Anh theo chim cùng với tháng ba qua
Một ngày xuân em trở lại quê nhà Nghe mẹ nói anh có về anh hái ổi Em nhìn lên vòm cây gió thổi Lá như môi thì thầm gọi anh về
Lần sau anh trở lại một ngày hè Nghe mẹ nói em có về bên giếng giặt Anh nhìn giếng giếng sâu trong vắt Nước như gương soi lẻ bóng hình anh!
Mảnh vườn xưa cây mỗi ngày mỗi xanh Bà mẹ già tóc mỗi ngày mỗi bạc Hai ta ở hai đầu công tác Có bao giờ cùng trở lại vườn xưa?
TẾ HANH
Trước sau, bài thơ vận dụng triệt để cách diễn đạt đối lập. Đối lập từ các cặp thơ, rồi đối lập ngay trong một câu thơ. Ngay khổ thơ đầu: "Mảnh vườn xưa cây mỗi ngày mỗi xanh/ Bà mẹ già tóc mỗi ngày mỗi bạc/ Hai ta ở hai đầu công tác/ Có bao giờ cùng trở lại vườn xưa?" Cây ngày càng xanh, tóc mẹ ngày càng bạc là quy luật nhưng có gì xa xót bởi tiếp theo là cặp đối lập nội tại: hai ta ở hai đầu công tác và khó có cơ hội cùng về. Vườn xưa và mẹ, có gì thân thương hơn, đáng cùng gửi hồn về, một đằng là kỷ niệm êm đềm một đằng hẳn sẽ buồn thương khi khó tròn sự yêu chăm dành cho mẹ?
Và trên cái nền đối lập này, bài thơ triển khai nhiều chi tiết thơ, hình ảnh thơ cụ thể hơn. Và nghệ thuật đối lập tha hồ lựa chọn những so sánh hay liên tưởng từ vô vàn những trái ngược nhau trong tự nhiên. Chuyện hai ta chung cùng về khó nhưngày nắng tránh ngày mưa, như mặt trăng mặt trời như sao hôm sao mai như sen mùa hạ cúc mùa thu..., quá nhiều những trắc trở cùng ùa vào chuyện hai người khiến bất kỳ ai nghe kể cũng hiểu rằng như không thể. Có một trùng hợp buồn: cả hai cùng theo chim về, nhưng là hai loài chim thiên di khác nhau, khác mùa " Em theo chim đi về tháng tám/ Anh theo chim cùng với tháng ba qua".
Chưa dừng lại cuộc về theo chuyện đuổi bắt trốn tìm vì nghịch cảnh, bài thơ tiếp tục cứa sâu hơn nỗi buồn man mác khi mô tả từng người về với vườn xưa và mẹ. Nhất định rồi, chỉ có mẹ nói lại mới biết anh có về hái ổi, em có về bên giếng giặt. Và chỉ có nỗi buồn lặng của từng người dù luôn nhớ về nhau. Người nữ ngó gió trên vòm cây nghe tiếng thầm thì gọi anh vềcòn người nam nhìn xuống giếng trong mà thấy nước như gương soi lẻ bóng hình anh. Ở đây có cái tinh tế khi diễn tả tâm trạng hai người. Cùng khao khát được gặp nhau, nhưng người nữ mềm lòng mơ tiếng lá ước ao, người nam đối diện với bóng mình đơn lẻ dưới mặt giếng trong khắc nghiệt hơn. Tiếng thầm thì ước ao không cứa hồn bằng mình với bóng mình.
Bài thơ khép lại bằng khổ thơ đầu, và cũng bằng dấu hỏi có bao giờ. Không ai có lỗi trong chuyện này cả, các đối tượng trực tiếp hay gián tiếp. Bối cảnh cách ngăn chỉ tôn vinh một tình yêu đẹp và buồn như muôn thuở vì quá ít cơ hội, tiếng buồn rơi vào hồn như tiếng thở dài. Chuyện ngoài ý muốn không phải một khía cạnh của lòng chung thủy, cũng không lặp nỗi buồn ngâu, mà là nỗi buồn có tính thi sĩ trong mẫn cảm vê tình yêu đôi lứa của nhà thơ Tế Hanh. Không ai muốn chia lìa, xa cách nhưng bài thơ không bi lụy vì cái vẻ buồn man mác. Và đẹp. Đây cũng là cái tạng thơ ông, cái mạnh của thơ ông, những bài thơ trữ tình tự sự kiểu "Nhớ con sông quê hương", "Làng tôi"...
Sen mùa hạ cúc mùa thu.....
Trả lờiXóaMỗi hoa mỗi sắc
Vẻ đẹp của sự xa cách và nỗi nhớ.
Thấm.
Cảm ơn Chị Ong Nâu. Chúc chị luôn vui khỏe nhé !
Xóa